Khi thợ điện, nước ngày càng thiếu trung thực
Published by Massage Is Healthy on October 15th, 2018
Nghỉ lễ, nhiều gia đình do bận rộn, không đi du lịch, thường tranh thủ mua sắm đồ điện lạnh hoặc gọi thợ điện, nước đến sửa chữa bình nóng lạnh tại nhà, lắp đặt. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy bực bội vì không ít thợ đến làm việc thiếu trung thực, gian lận...
Thợ điện, nước có rất nhiều mánh khoé để kiếm tiền
Mua đồ, rước "cục tức" vào người
Do không có thời gian đi du lịch vì phải trực, làm việc ngay trong ngày nghỉ, anh Quang (ngõ 354, đường Trường Chinh, Hà Nội) tranh thủ lúc rảnh rỗi đi mua thêm một máy điều hòa từ siêu thị MediaMart ngay trên phố gia đình anh ở. Tuy cuối cùng cũng xong việc, nhưng anh cũng rước lấy bực bội vào người.
Xem thêm: quy trình bảo dưỡng bình nóng lạnh đúng cách
"Mua máy thì không sao, nhưng khi thợ lắp đặt tới, họ làm rất lâu, hay có sự cố và liên tục kêu thiếu đồ này, đồ kia, rồi chạy ra ngoài mua nên việc lắp đặt mất khá nhiều thời gian, mất đến hơn 3 tiếng. Nhưng bực nhất là họ đã ăn gian", anh Quang nói.
Theo anh Quang, ngay khi mua, người phụ trách bán hàng đã cẩn thận dặn anh sau khi thợ lắp xong nên đối chiếu tiền vật tư theo bảng giá của siêu thị. Mặc dù gia đình anh đã làm theo như vậy nhưng 2 người thợ của siêu thị này cử đi đã kê khai gian số lượng vật tư, thiết bị đã sử dụng.
"Họ hầu như đã ăn gian tất cả các vật tư, thiết bị. Nếu như chiều dài ống dẫn chỉ là khoảng hơn 4 mét thì họ kê lên 5 mét nên các vật tư đi cùng cũng bị tăng thêm; hay chiều dài dây điện là chưa đến 10 mét...thì họ kê lên 12 mét. Cho nên, giá trị vật tư tăng thêm mấy trăm ngàn đồng, như riêng ống đồng, 200 ngàn/mét thì họ đã ăn gian gần 1 mét. Khi tôi đòi đo lại, họ khó chịu, phải làm theo và đã phải thừa nhận sai, tính lại cho tôi", anh Quang cho biết.
Không chỉ có vậy, theo anh Quang, những người thợ lắp đặt điều hoà cho gia đình anh luôn hỏi anh có làm thêm việc nọ, việc kia không như hàn... "Tôi cũng có hiểu biết một chút về điện nên phải bảo họ là không cần thiết. Không những thế, họ còn làm quá chậm và liên tục để sự cố như mãi không khắc phục được việc chảy nước vào trong nhà. Thực sự tôi rất bực bội vì đây là thợ của một siêu thị lớn, chứ đâu phải cơ sở nhỏ lẻ nhưng họ làm ăn rất thiếu chuyên nghiệp như vậy", anh này nói.
Một chủ hộ khác, chị Hương (ngõ 78, quận Long Biên, Hà Nội) phàn nàn: "Nhà tôi vừa kêu thợ sửa bình nóng lạnh vào thì kiểm tra một lúc, cậu thợ bảo bình nóng lạnh bị hỏng dây mai so, phải thay hết khoảng 700 ngàn đồng. Ngó thấy nét mặt của cậu này không tự nhiên, tôi không tin vì bình nóng lạnh tôi mới mua, khó có thể hỏng như vậy".
"Tôi từ chối và gọi thợ khác, quả nhiên là chỉ bị lỏng đầu dây dẫn, sửa rất ít tiền. Nhà tôi gặp phải các trường hợp thế này nhiều rồi nên tôi rất cảnh giác. Họ luôn ra vẻ chăm chú, vất vả... xong rồi kê lỗi, báo hỏng rất nặng phải thay cái nọ, cái kia. Nếu mình không có chút hiểu biết, kiểm tra lại thì rất dễ bị lừa", chị Hương nói.
Lời "thú tội" của một thợ sửa chữa điện lạnh
Những hiện tượng xảy ra như trên đã không còn là hiếm. Trên nhiều diễn đàn, trong các phản ánh đến báo chí, các hiệp hội bảo về người tiêu dùng... ngày càng có nhiều ý kiến phàn nàn về tình trạng thợ điện, nước ngày càng gian dối trong công việc của mình.
Nhan nhản các giới thiệu dịch vụ điện lạnh trên mạng, nhưng khó tìm địa chỉ tin cậy
Sau khi ghi nhận các hiện tượng trên, chúng tôi có gặp Vĩnh, một kỹ sư điện hiện làm cho một tổng công ty xây dựng của Bộ Giao thông Vận tải. Vĩnh mới từ bỏ công việc làm thợ điện cho một công ty tư nhân chuyên dịch vụ điện nước.
Anh nói: "Hiện nay, lương bổng ở các công ty dịch vụ điện nước thường rất thấp, tiền cho thêm của các gia đình, các cơ sở thuê cũng không nhiều nên các thợ của họ thường dùng rất nhiều mánh khoé để kiếm thêm".
"Có rất nhiều cách gian lận, như lắp đặt điều hoà thì kê khai sai về chủng loại, số lượng, thường thì rất ít gia đình kiểm tra. Hoặc bơm gas thiếu, hoặc lắp đặt mới hay sửa chữa máy cũ thì hàn làm sao cho vẫn rò rỉ... để một thời gian sau, máy điều hoà hoạt động kém, làm mát yếu thì thấy giấy dán ghi số điện thoại của mình còn ở đó thì họ gọi", Vĩnh tiết lộ.
Vĩnh cũng tiết lộ, anh biết tất cả các "mánh" của thợ lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng máy giặt, thợ sửa chữa đường ống cấp, thoát nước... cho các gia đình, cơ quan. "Ví dụ như máy giặt, họ thường lấy cớ là có những bộ phận phức tạp như bảng vi mạch cần phải mang về công ty kiểm tra. Khi liên lạc lại nhà chủ thì nói vi mạch hỏng, phải thay thế nhưng kỳ thực, không phải thay, hoặc có những máy móc mang về thì đổi bộ nguồn kém chất lượng hơn, lấy tụ cảm biến...", Vĩnh nói.
Hoặc với thợ sửa đường ống thoát nước thì không mấy khi họ làm hoàn toàn tốt cho khách. Vĩnh nói: "Nếu làm tốt quá, có khi mấy năm họ mới lại phải gọi mình cho nên, làm ở mức độ nào đó, đủ để thoát nước trong thời gian nhất định, có thể là 6 - 9 tháng. Không thông hết, hoặc thậm chí găm cả cục giẻ lại... để một thời gian sau, đường ống lại tắc và nhà chủ lại gọi mình thì mới có tiền".
"Cạnh tranh trong nghề này bây giờ khá gay gắt nên mỗi thợ khi đi làm đều phải tính toán làm sao chủ vẫn hài lòng mà thường xuyên giữ được liên hệ. Ngoài việc làm ở công ty ra, bao giờ khi làm cho khách, cũng phải tính để khi làm, trốn việc, làm riêng, hoặc để tích luỹ khách nhất định, khi cần, bỏ công ty ra làm riêng. Tôi biết khá nhiều thợ đều làm như vậy", Vĩnh cho biết.
Theo "cựu" thợ điện này, các thợ điện, nước luôn tỏ ra rất vất vả khi đi làm việc để một phần nhằm "đánh lừa" khách, một phần để chủ nhà thưởng thêm... chứ kỳ thực là thu nhập của họ không hề tệ. "Lương của công ty thì thấp, khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, nhưng với các mánh trong nghề, mỗi lần đi lắp đặt, gian lận thành công cũng kiếm được bét nhất cũng được 100 - 200 ngàn đồng/vụ, chưa kể chủ nhà cho thêm và một ngày ít nhất cũng làm được 5 - 6 đơn hàng. Đại đa số là thành công, nhất là khi làm cho các nhà giàu, hay các gia đình chỉ có phụ nữ, trẻ em, người già ở nhà", Vĩnh tiết lộ thêm.
Theo một số chuyên gia ngành điện, nước, đã bắt đầu mùa hè, nhu cầu mua sắm, sử dụng đồ điện lạnh của các gia đình tăng cao. Để tránh tình trạng bị gian lận khi mua sắm, lắp đặt, sửa chữa đồ điện, nước trong nhà, các gia đình đều nên trang bị cho mình kiến thức nhất định về đồ điện, nước, tìm kiếm các trung tâm, cơ sở điện lạnh có uy tín hoặc đã tìm được thợ điện giỏi, tin cậy thì lưu số lại, thường xuyên liên lạc và cẩn thận với các dịch vụ của các cơ sở, công ty, cá nhân hiện được quảng cáo, rao vặt đầy rẫy trên mạng internet.
"Và một điều quan trọng nữa là, đừng dễ dãi, phó mặc hết cho thợ hay chỉ để trẻ em, người già trông coi họ", một chuyên gia ngành điện khuyến cáo.